Bàn về Thông Minh
Hỏi như thế, có vẻ là thừa. Tất cả chúng ta đều biết vai trò to lớn của sự thông minh. Cha mẹ mua sữa đắt tiền cho để mong con “cao hơn, thông minh hơn”. Cả hệ thống giáo dục muốn đào tạo những con người xuất sắc mà sự thông minh là nền tảng.
Nhưng đi sâu hơn, dường như chúng ta lại mắc cái bẫy đương nhiên. Giống như chẳng ai tự hỏi vì sao táo rơi cho đến khi Newton truy xét đến kì cùng cái sự đương nhiên đó.
Cũng vậy, đôi khi điều gì càng thường gặp, càng đơn giản lại càng dễ bị bỏ qua. Tiếc thay, nhưng điều đó thường vô cùng quan trọng.
Thông minh là gì?
Tuy không có một định nghĩa chuẩn mực, nhưng thời gian gần đây xuất hiện mô hình 9 loại trí thông minh.
Trí thông minh được phân loại và sắp xếp theo nhóm, như trí thông minh âm nhạc, trí thông minh vận động, trí thông minh logic, trí thông minh cảm xúc v.v..
Các bậc cha mẹ và chính chúng ta cố gắng tìm kiếm một hoặc vài loài trí thông minh phù hợp, và cho đó là sở trường.
Sự phân loại được sắp xếp theo góc nhìn “biểu hiện”. Nghĩa là những dạng thức trí thông minh này được biểu hiện trong một số lĩnh vực cụ thể, với một số điều kiện cụ thể.
Mô hình này tối ưu hơn khi có thể giúp cha mẹ định hướng nghề nghiệp cho con cái và giúp chính mỗi cá nhân tìm kiếm sở trường của mình.
Tuy nhiên, còn một dạng trí thông minh khác, một chiều kích hay hướng nhìn khác về trí thông minh. Nó quan trọng nhưng bị quên lãng, nó không giúp ai đó bộc lộ tài năng nhưng lại định hình nhân cách, nó không phải công cụ hướng nghiệp nhưng lại giúp con người hạnh phúc.
Tôi chia sẻ về góc nhìn này, qua cách thức triết tự có vẻ ngô nghê của mình.
Chữ “Thông”, nghĩa là thấu suốt
Chữ Minh, nghĩa đen là sáng.
Đáng chú ý, chữ Minh trong Hán tự ghép bởi chữ Nhật và chữ Nguyệt. Nhật là mặt trời, nguyệt là mặt trăng.
Nhật và Nguyệt biểu trưng cho tính Dương và tính Âm.
Âm và Dương biểu trưng cho tính hai mặt mâu thuẫn của một vấn đề
Từ đó, tôi chơi chữ để đưa ra góc nhìn của riêng mình: Thông minh là thấu suốt hai mặt của một vấn đề.
---------------------
Quan điểm về Thông minh là thấu suốt hai mặt của vấn đề phảng phất và thấm sâu trong văn hóa Á Đông, với những thành ngữ: Trong họa có phúc, trong phúc có họa. Hoặc: Sắc tức thị không, không tức thị Sắc.
Người Á Đông luôn cố gắng nhìn nhận 2 mặt của một vấn đề, tránh tuyệt đối hóa và hướng về tính trung dung.
Bởi vậy, có thể nói, sự Thông minh trong góc nhìn Á Đông, phản ánh khả năng thông tỏ, thấu suốt hai mặt của vấn đề.
Thông tỏ đúng và sai
Thông tỏ tốt và xấu
Thông tỏ thiện và ác
Thông tỏ chính và tà
Thông tỏ tha và ngã...
---------------------
Khả năng thông tỏ, thấu suốt hai mặt của một vấn đề, liệu có quan trọng hay chăng.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, viết trong cuốn Đúng Việc: “ Một con người cần có trí tuệ minh định và một trái tim có hồn”.
Theo ông, minh định là xác định một cách sáng suốt ai là ai, cái gì là cái gì v.v...
Nếu một cá nhân thiếu sự minh định, thì đồng nghĩa với một trí tuệ mù lòa.
Cũng vậy, một con người không thông minh, nghĩa là không thể thông tỏ được hai mặt của một vấn đề, là một con người chưa phát triển.
Không thông minh, nghĩa là không thông tỏ được đâu là đúng, đâu là sai.
Không thông minh, nghĩa là không thông tỏ được đâu là tốt, đâu là xấu
Không thông minh, nghĩa là không thông tỏ được đâu là mục tiêu, đâu là phương tiện.
Không thông minh, nghĩa là không thông tỏ được đâu là chính, đâu là tà.
Không thông minh, nghĩa là không thông tỏ được mình là gì và cái khác mình là gì.
Vậy, xét ở một góc độ nào đó, thì một cá nhân dù sở hữu một trí “thông minh âm nhạc” xuất sắc, nhưng thiếu đi một trí “thông minh thông tỏ”, thì có chăng như một kẻ nghèo có tiền, một tài năng trong một tâm hồn mù tối.
--------------------------------
Thông minh, theo cách nhìn Phương Tây, chú trọng “tác dụng”, hay đặt câu hỏi cho: Ai đó có thể làm gì?
Thông minh, theo góc nhìn Phương Đông, chú trọng “bản thể”, hay đặt câu hỏi cho: Ai đó có thể phân biệt được gì?
Có lẽ, trong cuộc giao thoa văn hóa đầy tàn khốc trong 20 năm vừa qua, các bậc cha mẹ và các nhà quản trị trở nên chú trọng đến câu hỏi: “Ai đó có thể làm gì?” nhiều hơn : “Ai đó có thể phân biệt được gì?”
Bởi thế nên, những chính trị gia không phân biệt nổi thiện và ác, chính và tà. Ranh giới đạo đức mong manh như độ mỏng của tờ đô, và được gọi tên hoa mỹ “Mỗi người có cách nhìn khác nhau”
Những bạn trẻ khi được hỏi về ngoại tình đúng hay sai, thì đại đa số trả lời tùy trường hợp. Cái cách trả lời tùy trường hợp cho thấy sự minh định rạch rõi giữa đúng và sai trở nên biến dịch trong từng hoàn cảnh nhất định.
Một người từ chối phong bì đút lót trong hoàn cảnh tài chính tốt nhưng lại sẵn sàng nhận khi cấp dưới kể khổ và tiền chữa bệnh cho con đang kẹt.
Nhưng ranh giới đúng sai, thiện ác, chính tà, trở nên không thể phân biệt và không có căn cứ phân biệt.
Và khi xã hội mất đi “trí thông minh thông tỏ”, thì nó trở nên tùy biến, vô định, tùy hoàn cảnh và đầy tính phong trào.
------------------------
Một cậu bạn tôi xin quy y. Cậu ta công tác trong bộ tài chính và con nhà có điều kiện.
Quy Y, với cậu là một Ý niệm hướng thiện.
Tôi nghe đoạn hội thoại như sau:
Sư thầy: Con đã quy y thì phải giữ giới.
Phật tử: Giới là gì ạ?
Sư thầy: Ngũ giới là năm điều răn không được làm của Phật tử: thứ nhất là không sát sinh, thứ hai là không dâm dục, thứ ba là không uống rượu, thứ tư là không trộm cắp, thứ năm là không nói dối.
Nghe đến đây, bạn tôi vốn là người nhà nước gãi đầu: Không uống rượu thì khó lắm ạ, con suốt ngày phải tiếp khác.
Sư thầy: Thế thôi cố giữ 4 giới cũng được.
Bạn tôi vẫn gãi đầu: Không nói dối cũng khó lắm ạ.
Sư thầy: Vậy không nói dối để làm việc sai thôi, còn nói dối để làm việc đúng cũng được.
Bạn tôi cười: Nhiều lúc vẫn phải nói dối để làm việc sai, như là chạy việc hộ bạn thầy ạ.
Thầy cười trừ: Vậy thôi 3 giới nhé.
Bạn tôi định gật đầu, rồi như sợ Phật phạt kẻ dối trá, lại nói: Thưa thầy giới dâm dục khó lắm ạ. Bọn con hay tiếp khách...
Nói xong hì hì.
Sư thầy có vẻ thông cảm: Vậy chắc giới sát sinh và giới trộm cắp có được không?
Bạn tôi bảo: Con có nhà hàng hải sản. Con không sát sinh nhưng vẫn nhập tôm cua về làm thịt có được không ạ?
Sư thầy lắc đầu cười: Vậy thôi giữa một giới trộm cắp nhé.
Bạn tôi hỏi: Xén một ít phần trăm của dự án hỗ trợ vốn có được không ạ?
Đến đây thầy đành bảo: Thôi cố giữ tâm thiện nhé.
Một cuộc cò kè mà cả hai chẳng thể phân định nổi ranh giới, một cuộc mặc cả quy y, một tâm hồn hướng thiện mà chẳng hề phân biệt nổi thế nào là thiện.
Những người ngoại tình với đủ lý do: Không hợp, cần tình yên, cần không gian, cần sự đổi mới.
Những bậc cha mẹ bỏ bê con cái
Nhưng người thầy trở thành “thợ dạy”
Những nhà báo trở thành “bồi bút” ( chữ của Giản Tư Trung)
Dường như chẳng có quy chuẩn nào để họ tự phán xét mình, cái gì cũng có lý do đáng thông cảm, cái sai nào cũng có thể du di xí xóa...
Ô hay...
-----------------------------
Khi con người không thông minh để thông tỏ được hai mặt của vấn đề, thì tâm hồn sẽ u tối.
Và xét cho cùng, chính sự thông minh này tạo nên “pháp luật của lương tri”, tạo nên “giá trị thiêng liêng của tính người”.
Khi nó không được để ý, thì chúng ta chỉ cố gắng tuân thủ cái pháp luật của nhà nước mà bỡn cợt với pháp luật của lương tri.
Và khi nào quyền lực và tiền bạc đủ để thao túng pháp luật của nhà nước, thì than ôi chẳng còn gì để níu giữ ta lại với tính Người.
Bởi chưng, pháp luật chỉ giám sát được hành vi nhưng lương tri giám sát suy nghĩ.
Bởi chưng, pháp luật có thể bị mua chuộc nhưng lương tri không thể bị đánh lừa.
Và khi lương tri bị đánh lừa bởi vô vàn sự ngụy biện, và hệ thống đúng sai mơ hồ, thì xã hội tất yếu sẽ rối ren.
--------------------------
Chuỗi bài viết này, cố gắng phân định những “cặp âm dương”, đều hầu mong có thể giúp mỗi chúng ta phân biệt được hai mặt của một vấn đề, từ đó hình thành sự “thông minh”.
Thế nào là thiện, thế nào là ác? Ranh giới là gì?
Thế nào là chung, thế nào là riêng? Ranh giới là gì?
Nhưng câu hỏi này, là nền tảng để ta cùng chia sẻ về trí thông minh.
Ban cố vấn SEE