Tản Mạn Về Cái Tôi – Phần 2: Sự Nguy Hiểm Của Bói Toán
Một điều tự nhiên, khi chúng ta uống một viên thuốc, thông thường sẽ tìm đọc “hướng dẫn sử dụng” hoặc dựa trên sự tư vấn của bác sĩ hay dược sĩ.
“Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” là một nhắc nhở cho việc tìm hiểu và nhận thức đúng đắn công dụng và những mặt trái có thể có của một sản phẩm.
Bói toán, hay chính xác hơn, là dự báo học cũng cần có một “hướng dẫn sử dụng” như vậy.
Dự báo học ra đời cách đây xấp xỉ 4000 năm. Một bề dày lịch sử và vô vàn khối óc tạo nên những tinh hoa tri thức vô cùng phong phú. Tuy vậy, bài viết này không tập trung phân tích những giá trị tích cực nằm trong Dự báo học, mà đưa ra một quan điểm về “Sự nguy hiểm của bói toán”.
Trong phần 1, tôi đã đề cập đến khái niệm “cái tôi nhận thức”. Để dễ dàng cho việc hiểu rõ khái niệm này, tôi tạm thời định nghĩa về “cái tôi nhận thức” như sau.
“Cái tôi nhận thức là tập hợp các quan niệm, suy nghĩ, niềm tin của một cá nhân về chính mình. Nó được hình thành do nhu cầu nhận thức bản thân. Nhưng do bị thúc đẩy bởi ham muốn tìm kiếm niềm tin về bản thân, nên cái tôi nhận thức trở nên sai lệch với cái tôi thực tại”.
Trong định nghĩa này, tôi nhấn mạnh đến nguyên do hình thành nên sự sai lệch giữa cái tôi nhận thức và cái tôi thực tại, là “niềm tin về bản thân”.
Tôi từng ở bệnh viện tâm thần Thường Tín một thời gian khá lâu, đủ để có một số quan sát và trải nghiệm. Tôi xin kể một trường hợp trong số đó.
Một nữ bệnh nhân bị tâm thần phân liệt. Nguyên do mà các bác sĩ thông báo là điên tình. Ban đầu tôi cũng không quá để ý đến bệnh nhân này, một phần vì khu nam và nữ tách biệt nhau. Việc khiến tôi thực sự giật mình, là trong một lần người nhà thăm nom, tôi thấy có một anh chàng trẻ rất ân cần. Nhìn thoáng qua cũng biết đó là người yêu. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi bác sĩ. Hóa ra bệnh nhân không bị bệnh do phụ tình, ruồng rẫy hay sụp đổ về tình cảm. Hai người họ đã yêu nhau gần 5 năm trời, và hiện tại, anh chàng kia vẫn yêu thương và chăm sóc cô gái.
Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn, là cô gái có dấu hiệu sợ hãi với đàn ông, và đặc biệt là với người yêu của mình.
Tôi chú ý và nhiều lần tìm cơ hội thì bắt chuyện được với anh chàng kia. Tôi chia sẻ mình cũng có một anh trai bị bệnh, và đang tìm hiểu về Tâm lý học. Tôi xin anh kể tôi nghe câu chuyện của hai người.
Tôi rất sửng sốt khi biết nguyên nhân trực tiếp gây nên sự điên loạn của cô gái kia, lại hoàn toàn đơn giản đến mức ngớ ngẩn. Đó là hai người đã quan hệ tình dục. Việc đó hết sức bình thường với mối quan hệ vài năm trời. Tôi có nghi ngờ và hỏi thì anh chàng đó nói, cô gái ấy tự nguyện và cảm thấy hưng phấn chủ động. Chính vì nguyên nhân có phần ngớ ngẩn này, gia đình tin rằng cô bị ma nhập và mời rất nhiều thầy bói.
Tôi chú ý tìm hiểu, thì phát hiện ra cô gái đó theo đạo Công giáo, thậm chí rất ngoan đạo và tham dự nhiều hoạt động của nhà thờ. Tôi cảm thấy có sự liên hệ giữa các lề luật của tôn giáo, trong đó có lề luật số 2 “Chớ dâm dục”, với bệnh lý cô gái này.
Sự nguy hiểm khi hình thành cái tôi nhận thức sai biệt quá lớn với cái tôi thực tại
Bắt đầu từ thời điểm đó, tức năm 2010, tôi hình thành khái niệm “cái tôi nhận thức”. Sự lý giải về bệnh lý cô gái đó được tôi suy nghĩ như sau:
- Bằng giáo dục gia đình từ rất sớm, các lề luật tôn giáo có vai trò như một tác nhân hình thành sự tự ám thị. Dưới kết quả của sự tự ám thị, cô gái hình thành nên một cái tôi nhận thức. Trong cái tôi nhận thức đó, cô gái vô cùng ấn tượng với hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh. Sự hình thành cái tôi nhận thức luôn cần một “thần tượng” để củng cố ám thị. Trong trường hợp này, cô gái lấy hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh làm thần tượng. Cái tôi nhận thức của cô ta, cho rằng mình là một người trong sáng, tốt lành và ngoan đạo. Điều này định hướng hành vi hàng ngày của cô, cô ngoan ngoãn, vâng lời và có phần mỏng manh.
- Sự kiện quan hệ tình dục, được định nghĩa trong trường hợp này, là một sai lầm về hành vi, thúc đẩy bởi bản năng con người. Điều đó gây nên sự xung đột giữa lý tưởng mà cái tôi đề xuất hằng tin theo, với thực tế đã diễn ra. Sự xung đột này càng trở nên nghiêm trọng khi sai lầm được tiếp diễn. Ở đây, là hành vi tính dục giữa hai người.
Sự khủng hoảng đó, làm đổ vỡ cấu trúc tâm lý của cô gái. Sự phân liệt khiến cô cho rằng : Ma quỷ đã xui khiến cô phạm tội, như bà Eva. Thay vì làm như đại đa số là biện hộ cho cái tôi nhận thức. Cô ta tự chia cắt tâm lý của mình thành 2 phần: Một cái tôi nhận thức và một cái tôi thực tại. Bệnh lý được hình thành, cô gái có 2 nhân cách. Nhân cách mà cô định nghĩa là chính mình với lý tưởng Đồng Trinh, lại là cái tôi nhận thức. Cô phủ nhận sai lầm, không chịu trách nhiệm với sai lầm của cái tôi thực tại. Nên cô gán cái tôi, mà đáng lý là chính cô, cho ma quỷ hoặc một thế lực tâm linh xấu xa.
Sự xung đột và giằng xé lương tâm trở nên cuộc chiến trong tưởng tượng của cô, giữa Thiên thần và Ác quỷ. Mà thực chất, đó là sự phủ nhận lẫn nhau của cái tôi nhận thức và cái tôi thực tại.
Ví dụ này, cho thấy, khi con người hành động sai lầm và trái ngược với cái tôi nhận thức, sẽ sinh ra sự xung đột. Nếu sai lầm được tiếp diễn nhiều lần, sự phủ nhận một trong hai cái tôi sẽ khiến cấu trúc tâm lý bị biến dạng.
Vấn đề đổ lỗi cho hoàn cảnh, cũng là một trong các biểu hiện của sự tự bào chữa của cái tôi nhận thức.
Ở ví dụ trên, chúng ta thấy được sự nguy hiểm khi hình thành cái tôi nhận thức sai biệt quá lớn với cái tôi thực tại. Trong trường hợp cô gái kia, thì cái tôi nhận thức của cô ta có phần siêu tưởng với thần tượng Đồng Trinh của mình. Trong khi đó, cái tôi thực tại không thể như thế, không thể có việc Đồng Trinh ngay cả khi có chồng. Và khi cái tôi thực tại, bao gồm rất nhiều ham muốn, thực hiện một hành vi mà cái tôi nhận thức, bao hàm tính lý tưởng, nhận định là sai trái thì cả 2 nảy sinh xung đột.
Trở lại vấn đề bói toán. Khi chúng ta, ngay cả người học Dự báo học hay người đi xem, một khi đã tin tưởng vào nó, thì cơ chế tự ám thị hình thành. Khi nghe thầy bói, hay chính xác hơn là sách vở bói toán nói về CHÍNH TA. Ta tất nhiên cảm thấy hứng thú vì nhu cầu tìm kiếm niềm tin vào bản thân được thỏa mãn.
Sự nguy hiểm, khi việc nói về CHÍNH TA của thầy bói, vô hình cung lại tạo lập một cái tôi nhận thức. Ví dụ: Mệnh cô có sao Thái Dương, nên tính cô có đặc điểm x, y, z nào đó. Hoặc “Số cô sẽ giàu”, hoặc “Số cô vượng phu ích tử”.
Thì những lời Phán đó, có vai trò như tác nhân tạo nên sự ám thị. Chúng ta tin tưởng vào một cái tôi nhận thức do thầy bói hình thành.
Tâm lý đi xem bói, hoặc làm các bài test tính cách, thường cảm thấy đúng chung chung. Chính là do cái tôi nhận thức luôn có khuynh hướng chủ quan, chọn lọc “thứ nó muốn nghe để củng cố cái tôi nhận thức”. Bởi thế, dù thầy nói sai, ta vẫn vo viên cho tròn để thành “đúng với điều ta mong muốn”.
Quá trình này hết sức nguy hiểm. Nó góp phần tạo nên một cái tôi nhận thức hoàn toàn tách rời khỏi thực tại. Sự tách rời đó thông thường là vô lý. Nhưng cũng như trong trường hợp cô gái kia, một cái tôi Đồng Trinh là vô lý, nhưng trở nên hợp lý với sự dẫn dắt của niềm tin.
Khi cái tôi nhận thức tách rời quá xa cái tôi thực tại, thì sự xung đột tất yếu xảy ra.
Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm với những ai quá tin bói toán, luôn tục đi xem. Việc luôn tục đi xem và luôn tục tin tưởng, là hành vi lặp lại ám thị với tần suất cao. Nó củng cố cái tôi nhận thức trở nên vững chắc.
Bi kịch là, không ai tiếp xúc thường xuyên với các lời dự báo, hơn chính những ông thầy. Việc tự xem lá số, liên tục củng cố nhận định, lại tạo cho các ông thầy một cái tôi nhận thức vững chắc hơn cả các con nhang đệ tử.
Bi kịch hài hước này, dân gian gọi là “Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”. Thầy bói, ám thị mình bởi công cụ của chính mình. Ta gọi đó là bệnh của chuyên gia.
Hiện tượng các cô đồng có những hành vi bất thường, một nhân cách trục trặc hay các biểu hiện có phần hâm dở. Lại được chính họ cảm nhận một cách bình thường, vì đó là biểu hiện của cái tôi nhận thức được củng cố.
Ngay trong giới dự báo học, đặc biệt là chính tôi vì tôi hiểu rõ mình, căn bệnh này cũng rất trầm kha. Cầm một lá số lên, tin vào một định mệnh, xem lá số phán gì, ám thị bởi điều đó.
Bởi thế, tôi luôn cố gắng một cách cực đoan, không tin tưởng vào bất kì sách vở nào gọi là do tiền nhân để lại một cách vô điều kiện. Tôi luôn xác lập với chính mình, lá số chỉ là khách thể, ta mới là chủ thể.
Tuy vậy, 8 năm nghiên cứu Dự báo học, cũng quá đủ để gây cho tôi nhiều di chứng nghề nghiệp. Mà mãi gần đây, bằng các liệu pháp tự khôi phục, tôi mới nhận thấy sự xung đột giữa cái tôi nhận thức và cái tôi thực tại giảm đi nhiều phần.
Tất cả chúng ta đang có xu hướng củng cố cái tôi nhận thức
Khi tôi viết về tác hại của Dự báo học, cũng mong muốn thực hiện việc “chỉ gà mắng chó”. Tôi chia sẻ chính sự nguy hiểm trong nghề nghiệp của mình, để cho thấy, không chỉ với dự báo học, mà tất cả chúng ta đang có xu hướng củng cố cái tôi nhận thức của mình.
Việc củng cố đó không sai và là tất yếu. Nó chỉ trở nên nguy hiểm khi cái tôi nhận thức tách rời cái tôi thực tại.
Tôi gặp vô vàn các vị “đi tu”, mượn kiến thức Phật giáo để củng cố cho “cái tôi nhận thức” của mình. Họ dùng những thứ như duyên, nghiệp để hóa giải các xung động của cái tôi nhận thức và cái tôi thực tại. Họ điềm nhiên cho rằng những sai lầm của bản thân, mâu thuẫn với cái tôi nhận thức, trái ngược với lý tưởng về chính mình họ tạo nên là do nghiệp quả nào đó, do u minh nào đó.
Và thật tuyệt vời, khi thằng tội phạm không phải ta, mà là do một thằng ta nào đó ở kiếp trước gây nên nghiệp quả.
Cũng tuyệt vời chẳng kém, khi sự thất bại không phải do ta. Làm sao có thể thế được. Cái tôi nhận thức nó bảo ta lý tưởng hơn thế, giỏi hơn thế. Thế là cái thằng “Số phận” hay “Định mệnh” hay “Lá số Tử Vi” đứng ra chịu tội thay.
Vô cùng tuyệt vời, một cách mù quáng, chúng ta thực hiện việc mà bản năng di truyền đã cài cấy rất sâu: Đổ lỗi và biện minh.
Bằng việc biện minh như thế, chúng ta hóa giải sự xung đột giữa cái tôi nhận thức đầy lý tưởng và cái tôi thực tại đầy ham muốn một cách tài tinh. Và cả hai nghiêm nhiễm tồn tại, cả hai nghiễm nhiên song song định hình nên ta.
Bởi thế, không lạ gì khi một người vẫn nói về chung thủy được trong khi ngoại tình.
Cũng không có gì lạ khi một Ni cô rao giảng về từ bi vẫn buôn bán trẻ em một cách thản nhiên
Cũng không có gì bất thường khi một gã quan tham nói về chống tham nhũng với bộ mặt liêm chính và đau khổ.
Bản chất của mọi lừa dối với bản thân, là sự tự biện minh. Quá trình tự biện minh này, là hoàn toàn tự nhiên, một cách bản năng để đấu tranh sinh tồn. Bởi nếu không như thế, sự xung đột giữa cái tôi nhận thức và cái tôi thực tại sẽ quá khốc liệt, gây nên sụp đổ.
Kết lại bài viết này, xin mượn lời đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II: “Tội ác lớn nhất của nhân loại, là không biết mình gây nên tội ác”.
Loài người, tự hào về trí thông minh của mình, lại chết trên chính lưỡi đao cho mình rèn ra. Như Đức Jesus nói “Kẻ dùng gươm, sẽ chết vì gươm”
Ban cố vấn SEE
Xem thêm:
Phần 1: Tản mạn về cái tôi - Cái tôi nhận thức và cái tôi thực tại