Ai cũng biết rằng đừng đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài, nhưng tại sao chúng ta vẫn làm như vậy?

Đây là bức ảnh trong một thực nghiệm xã hội: trong rạp chiếu phim chỉ còn 2 ghế trống, 148 ghế còn lại được lấp đầy bởi những người đàn ông xăm trổ hung hãn và bặm trợn. Bạn nghĩ sao về bức ảnh này? Nếu bạn là cặp đôi trong bức ảnh, bạn có đủ can đảm ở lại xem phim không?

Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một người đàn ông xăm trổ đầy mình? Lo sợ, cảnh giác, phòng thủ, nghĩ anh ta là lưu manh? Có khi nào bạn cố gắng tránh xa những người xăm trổ không?

Vẻ bề ngoài tạo ra ấn tượng ban đầu rất quan trọng, chính vì vậy chúng ta thường có xu hướng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Khi thấy ai đó trong một bộ vest đạo mạo, với những cử chỉ lịch thiệp, chúng ta có xu hướng kết luận đó là người tốt. Khi thấy một người xăm trổ, chúng ta cho rằng đó là người xấu. Tuy biết rằng kết luận như vậy quá vội vã, và ai cũng biết rằng đừng đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên làm như vậy. Tại sao lại thế, nguyên nhân gốc rễ của hành vi này là gì?

Trong tâm lý học, có một cơ chế gọi là hiệu ứng hào quang (Halo effect), chúng ta có thể sử dụng nó để lý giải hành vi này. Sau đây là một ví dụ minh họa:

“Bạn nghĩ thế nào về Alan và Ben:

Alan: thông minh – chăm chỉ - bốc đồng – khó tính – cứng đầu – đố kỵ

Ben: đố kỵ – cứng đầu – khó tính – bốc đồng – chăm chỉ - thông minh”

(Tư duy nhanh và chậm, Daniel Kahneman)

Hầu hết mọi người sẽ thấy Alan đáng mến hơn Ben. Mặc dù 2 người có tính cách y hệt nhau, nhưng những nét tính cách xuất hiện đầu tiên đã quyết định cảm nhận của chúng ta về Alan và Ben. Alan xuất hiện với những tính cách tốt trước, xấu sau, những tính cách tốt đã gây ấn tượng, làm lu mờ tính cách xấu, còn Ben thì ngược lại. Đó chính là hiệu ứng hào quang, khi chúng ta quyết định đánh giá những đặc điểm khác của một người dựa trên những ấn tượng đầu tiên về họ. Hiệu ứng này vẫn luôn xảy ra mà chúng ta không hề hay biết, nó là nguyên nhân khiến chúng ta nhận định sai lệch về con người.

Những định kiến của bản thân mỗi người cũng là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá một người. Khi nhìn thấy một người da màu, ngay lập tức, từ xuất hiện trong đầu của người da trắng đối diện là “hung hăng”, “giận dữ”, “man rợ”,… Nạn phân biệt chủng tộc cũng là một bằng chứng đắt giá cho thông điệp: đừng đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài của họ.

Ngoài định kiến của mỗi cá nhân, định kiến của cả xã hội được hình thành từ những quan niệm cũ, cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. Quan niệm đàn bà gò má cao sẽ sát chồng là một trong những định kiến rất phổ biến trong xã hội cũ. Ngay cả trong xã hội hiện đại bây giờ, rất nhiều người trẻ vẫn nghĩ quan niệm đó là đúng và khi gặp ai đó có gò má cao, trong suy nghĩ của họ lại bật lên định kiến này. Để giúp bạn có cái nhìn chuẩn xác nhất, SEE đã biên soạn một bài phân tích tướng phụ nữ gò má cao rất chi tiết, mời bạn tham khảo bài viết trong link dưới đây:

Phụ nữ gò má cao - sao phải sợ!

Xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh, gấp gáp đang cuốn chúng ta vào vòng xoáy không có điểm dừng. Nhịp sống vội vã buộc chúng ta phải đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng. Sống vội, yêu vội, đánh giá con người cũng vội. Chỉ cần một vài câu nói hay hành động ta đã quyết định tính cách của người đối diện. Mặc dù thừa nhận trực giác là có thật, nhưng đừng vì thế mà đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài.

Mức độ sai sót của việc kết luận vội vã đó tỷ lệ thuận với tốc độ chúng ta đưa ra đánh giá, và hậu quả nó gây ra đôi lúc sẽ khiến chúng ta hối hận. Hối hận vì bị vẻ bề ngoài đánh lừa mà tin nhầm người, hợp tác với nhầm người, mà chọn sai người yêu, chọn sai bạn đời,... Chúng ta sẽ bị mất mát không chỉ về tiền bạc, thời gian, mà mất mát lớn nhất chính là mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Thậm chí, tình huống tệ nhất là mất niềm tin vào chính mình vì đã không nhìn ra bản chất của con người. Vì vậy, chúng ta hãy thận trọng hơn trong việc nhìn người, đặc biệt, cần luôn luôn ghi nhớ: đừng đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài.

SEE

Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Wikiedu
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà số 137, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Email: see@hocxemtuong.com
Di động: 0985 658 242