Hiểu đúng về “ti hí mắt lươn”
(Ảnh minh họa)
Trong dân gian có rất nhiều câu ca dao tục ngữ nói về việc xem tướng, một câu rất phổ biến trong số đó là:
“Những phường ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người”
Câu ca dao này xuất phát từ đâu và những người sở hữu đặc điểm “mắt lươn” có thực đáng ghét như ông bà ta vẫn quan niệm?
Theo quan niệm xưa, mắt lươn là đôi mắt hẹp dài và nhỏ, khó mở rộng, mí mắt him híp.
Dân gian cho rằng: lươn có đặc tính sống nơi bùn tanh, gian xảo trơn tuột, thường hay chui rúc; nên những người có đôi mắt lươn cũng sở hữu tính cách luồn cúi, ti tiện, gian manh.
Hơn nữa, chuẩn mực vẻ đẹp xưa là đôi mắt bồ câu to, tròn nên đôi mắt lươn bé nhỏ do đi ngược lại với “tiêu chuẩn” đó nên càng không mấy thuận mắt người nhìn.
Điều này có thực sự chính xác?
Dưới góc nhìn của SEE về Nhân tướng học, đôi mắt để nhìn, do vậy, mắt phản ánh Nhân sinh quan, cách nhìn nhận của con người về những sự việc trong cuộc sống.
Ta có thể ví đôi mắt như một camera, và độ to nhỏ của đôi mắt là tỷ lệ “Zoom” của chiếc máy ảnh. Nếu như người có đôi mắt to thường có cái nhìn tổng quát về một sự việc, thì người có đôi mắt nhỏ hẹp thường nhìn tới những điểm chi tiết, những thứ cụ thể của sự việc đó.
Như vậy, tướng mắt lươn hẹp dài và him híp chỉ nói lên người này có cái nhìn tập trung vào các điểm chi tiết của vấn đề, mà không có sự liên hệ trực tiếp với sự gian xảo mà câu ca dao nhắc tới. Đây vừa là điểm mạnh mà cũng vừa là điểm yếu của những người có tướng mắt lươn, mắt híp, mắt nhỏ. Việc họ có xu hướng nhìn vào chi tiết khi nhìn nhận đánh giá, nói lên tính cách họ thường tỉ mỉ, nhưng đôi khi quá tập trung vào tiểu tiết lại khiến họ bỏ qua đại cục.
Thực tế cũng cho thấy: người Nhật Bản và Hàn Quốc đa phần đều có đôi mắt híp, “ti hí mắt lươn” nhưng điều đó không thể nói lên rằng dân tộc họ có bản tính xảo trá, ti tiện. Điều này cũng phần nào lý giải đặc điểm nổi bật trong tính cách của người Nhật đó là tính tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác đến từng chi tiết.
Hơn nữa, khi xem tướng, hay quan sát một đặc điểm nào đó, đặc biệt là “đôi mắt”, chúng ta không chỉ nhìn hình dáng mà còn phải cảm được thần thái, bởi cái thần mới thể hiện rõ nhất cái Tâm của con người. Do đó, câu ca truyền miệng xưa đã gây ra những hiểu lầm, những nhận định không chính xác về đặc điểm “ti hí mắt lươn”.
Hãy tỉnh táo và tìm về những giá trị căn bản, khoa học nhất của bộ môn Nhân tướng học - đây cũng chính là điều mà SEE hướng tới.
SEE