Nhân tướng học - công cụ nhìn người hiệu quả
Con người hàng ngày vẫn luôn nhìn nhận và đánh giá về người khác. Xã hội ngày càng thay đổi với tốc độ không thể tin nổi, nhưng dường như việc có một công cụ để hiểu người sâu sắc hơn, hệ thống hơn thì lại chưa được cải thiện.
Chúng ta vẫn nhìn người dựa vào cảm nhận, đánh giá trực quan, dựa vào kinh nghiệm, quan niệm dân gian hoặc phán đoán.
Bạn gái Nguyễn Đức Nghĩa cũng đâu ngờ rằng có ngày bị chính người mình yêu giết một cách man rợ vì “chàng” được học hành đàng hoàng, giáo dục trong gia đình công giáo.
Không ai có thể ngờ người vợ ra tay đốt cả nhà chồng chỉ vì anh chồng khuyên bảo cách cư xử vợ chồng sao cho thuận đạo lại là một giáo viên.
Một doanh nghiệp nhận đầu tư đào tạo nhân viên với mong muốn sự trung thành và cống hiến thì sau khi “đủ lông đủ cánh” nhân viên nộp “đơn xin nghỉ” chỉ vì công ty khác trả lương cao hơn.
Chúng ta bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài: trông có vẻ đáng tin, trông có vẻ đàng hoàng bởi quần áo, địa vị, bằng cấp, danh tiếng của họ. Chúng ta nhanh chóng đặt họ vào một “kết luận” mà không phụ thuộc vào con người họ.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”.
Địa vị, nghề nghiệp, bằng cấp, danh tiếng, áo quần, dáng điệu chẳng thể phản ánh được bản chất của con người. Vì vậy hãy cẩn thận đừng bị “lừa” với vẻ ngoài để rồi một ngày nào đó bạn bị tổn thương bởi những người xung quanh. Khi sống và làm việc với những con người đó, chúng ta mới nhận ra nhiều khuyết điểm, để rồi tự chúng ta cảm thấy bị lừa và khó chung sống hòa hợp. Thực sự họ “lừa” ta hay ta không thể nhìn đúng về họ?
Chúng ta cần phải nhìn người sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Nghĩa là phải nhìn nhận được giá trị bên trong một người. Chúng ta phải phân biệt được đâu là tâm tính ổn định, bản chất động cơ thực sự và đâu là hành vi nhất thời. Điều gì thực sự thúc đẩy hành động của họ, bởi điều một người tự nói về bản thân và hành xử đôi khi không phản ánh đúng cái họ thực sự là. Đồng thời chúng ta phải dự báo được xu hướng hành động của một người trong các tình huống.
Nhiều người đã tìm đến MBTI, DISC nhưng một hệ thống trắc nghiệm bị phụ thuộc vào sự tự đánh giá của cá nhân về chính bản thân mình thì sao có thể khách quan?
Nhưng Nhân tướng học giúp chúng ta làm tốt được những điều nói trên.
Một nguyên lý của Nhân tướng học “Tướng tự tâm sinh”, ở đó tướng bao gồm hình tướng, thanh tướng và thần tướng. Các đường nét trên khuôn mặt, phong thái, cử chỉ thể hiện được những nét tâm lý ổn định của một người, đó là những tư tưởng, cảm xúc, tính cách, thói quen suy nghĩ lặp đi lặp lại thường xuyên.
Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”. Nhân tướng học có chung quan điểm này: tâm tính là nhân, hành động là quả. Sự thay đổi về tâm tính kéo theo sự thay đổi về tướng. Thông qua nhìn tướng mà nhận biết tâm tính một người, từ đó dự báo xu hướng hành động của một người.
Ví như con cá lặn dưới ao. Qua bọt nước nổi lên người câu lâu năm tiên lượng được độ lớn, giống loại của cá. Bọt nước không tham gia trực tiếp đáng kể vào việc cá lặn. Nhưng qua bọt nước ta biết được cá. Qua việc biết cá ta chọn mồi câu, qua việc chọn mồi câu mà thành bại của việc đi câu được quyết.
Tuy nhiên nhân tướng học không đi sâu vào đoán vận mệnh của một người mà tập trung vào khảo sát nội tâm một người, sức khỏe, năng lực, ý chí, lập trường, các tính cách khác cũng như cách hành xử với các mối quan hệ.
Trong đời sống của chúng ta, nếu chỉ nhìn vào những hành vi hiện thời mà kết luận về người đó thì sẽ thật là vội vã. Hành động của chúng ta bị chi phối bởi cả những nét tâm lý ổn định và những trạng thái cảm xúc nhất thời theo hoàn cảnh. Tương ứng như vậy thì nhân tướng học bao gồm nhân tướng học động và nhân tướng học tĩnh. Nhân tướng học tĩnh sẽ giúp ta biết động cơ, cảm xúc, tâm lý ổn định và chủ đạo. Nhân tướng học động sẽ giúp ta biết trạng thái tâm lý hiện thời qua các hành vi, cảm xúc lúc đó và thay đổi liên tục theo hoàn cảnh. Nghĩa là trong việc nhận định về một người, chúng ta sẽ nhận biết được cả điều họ thực sự nghĩ và điều họ tự nhận thức về mình, biết đặt họ vào những hoàn cảnh cụ thể, bối cảnh giáo dục và môi trường sống, biết được lý do tại sao hành vi ở một thời điểm lại khác biệt so với nét tính cách thường xuyên. Chúng ta sẽ không còn bất ngờ, sẽ thông cảm hơn, lựa chọn người phù hợp hơn, tin tưởng đúng người hơn.
Một người có miệng đẹp, với chiếc mũi phối hợp hài hòa không quá cao lộ xương thì rất có tiềm năng ở vị trí lễ tân.
Nếu khách hàng hay đối tác của bạn là nam giới có khuôn mặt bầu thì bạn nên hỏi họ về vấn đề họ tâm đắc hoặc tự hào và thể hiện thái độ lắng nghe chăm chú là yếu tố then chốt để giao tiếp hiệu quả và chiếm được cảm tình. Bởi dưới góc nhìn nhân tướng thì nam giới có khuôn mặt bầu phản ảnh mong muốn khẳng định sự tự tin về bản thân, tuy nhiều người có vẻ ngoài không thích thể hiện mình nhưng họ luôn mong muốn tìm kiếm sự thừa nhận.
Một điều nữa chúng ta không thể chối bỏ là nhân tướng học là một công cụ nhìn người có lịch sử phát triển khoảng 4000 năm và có ứng dụng rất thiết thực từ hàng nghìn năm trước đó, được nhiều nhân vật lịch sử như vua Lý Thái Tông, Khương Tử Nha, Quỷ Cốc Tử, Viên Thiên Cang, Lưu Bá Ôn,… sử dụng để nhìn người, tuyển chọn hiền tài, hiểu mình biết người. Rất nhiều vị lãnh đạo trong Nhà nước không tiện nêu tên cũng sử dụng nhân tướng như một công cụ đắc lực để nhìn người.
Một công cụ như vậy rất xứng đáng để chúng ta dành thời gian, công sức để học hỏi. Bạn đã sẵn sàng chưa?
Ban cố vấn SEE