7 Điều Quý Và 7 Tính Chất Phải Biết Khi Xem Thần Tướng

Chủ yếu để xét thần người ta xem ở mắt. Mắt đoan chính, sáng, ôn (ấm áp), hòa hợp, từ (hiền lành), tường (thông minh) được coi là tốt, chứng tỏ một con người có tư cách và chân thật. Theo Đạt Ma tướng pháp, một đôi mắt quý cần 7 điều:

  1. Tàng nhi bất hối: Tàng là ẩn tàng, ý nói nhìn vào thấy người có chiều sâu, có suy nghĩ. Hối là mờ mịt, nghĩ là trông không tối tăm, đần độn.
  2. An nhi bất ngu: Trông có vẻ an tĩnh, điêm đạm nhưng không ngu đần. An đây là sự bình an của người hiểu biết, cao thượng chứ không phải là cái yên ổn của người trí tuệ kém cỏi, khù khờ.
  3. Phát nhi bất lộ: Khi hoạt động, hoặc khi nói chuyện, ánh mắt phát ra nhưng không hư phù, hời hợt.
  4. Thanh nhi bất khô: Mắt trông thanh cao, nhưng không có vẻ cô độc lạnh lẽo.
  5. Hòa nhi bất nhược: Mắt phải chứa đầy hòa khí nhưng không vì thế mà yếu đuối, chứng tỏ một tâm hồn nhiều nghị lực và cảm đảm.
  6. Nộ nhi bất tranh: Khi giận dữ, nộ khí có vẻ không tranh giành. Cổ nhân gọi là nghĩa khí chi nộ chứ không phải huyết khí chi nộ.
  7. Cương nhi bất cô: Khi thái độ cứng rắn thì không có vẻ lẻ loi, cố chấp.

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra khi xem mắt còn chú ý đến 7 tính chất gồm cả hình lẫn thần mắt như sau:

  1. Tú nhi chính: mắt cần phải đẹp và đoan chính. Tú luận về quanh thái, trong khi chính luận về hình thể.
  2. Tế nhi trường: nhỏ và dài. Nếu nhỏ mà không dài thì là người tiểu xảo, trong khi dài mà lại to là người ác.
  3. Định nhi xuất: mắt cần định nhưng phải hiển lộ được uy của con người. Nếu không xuất, ắt là ngu.
  4. Xuất nhi nhập: tuy xuất ra nhưng phải uy tàng được chứng tỏ khả năng tập trung tư tưởng. Nếu chỉ xuất mà không nhập, người đó thường hướng ngoại, dễ chạy theo bề ngoài và có khuynh hướng đãng tử.
  5. Thượng hạ bất cách: con mắt trên dưới nhiều lòng trắng chúng ta hay gọi là trắng dã, là người có tâm địa gian và ác.
  6. Thị cữu bất thoát: nhìn lâu không bị lạc thần. Người nhìn lâu không mệt mỏi, không mơ màng là người có khả năng tập trung tinh thần cao, nghị lực mạnh.
  7. Ngộ biến bất hao: gặp biến cố không hoảng hốt. Người hay hoảng hốt đương nhiên không phải là người có thần khí mạnh.

Quan sát thần của một người là chuyện rất khó. Thần khí không phải là nghi biểu mà chúng ta thấy bên ngoài mà là sức mạnh nội tại ở bên trong. Chính vì thế, thần khí bao giờ cũng liên quan đến thái độ: động thì hoạt bát lanh lợi, chu đáo sắc bén, tĩnh thì trầm mặc, an nhiên.

Tĩnh nhược  hàm châu, động nhược phó ước (Khi tĩnh thì như con trai ngậm hạt châu, khi động thì như người đi dự một hội nghị, có hẹn ước nghĩa là có tính toán, nghiêm chỉnh và mực thước).

Như vậy, cổ nhân xem người bao giờ cũng nhìn ở đường dài, đặt trên những tiêu chuẩn đạo đức. Người có khả năng không có đạo đức chỉ là kẻ làm hại cho xã hội. Ngược lại với ý niệm trên, người ta có câu:

Tĩnh nhược bán thụy, động nhược lộc hãi (Khi tĩnh thì như kẻ buồn ngủ, nửa thức nửa ngủ, khi động thì như con nai đang hốt hoảng, quýnh quáng). Thái độ như thế ắt là người không có khả năng, không có bản lãnh mà chỉ là người không có đủ thần khí.

Những nguyên lý của tướng học_Nguyễn Duy Chính.

Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Wikiedu
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà số 137, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Email: see@hocxemtuong.com
Di động: 0985 658 242